Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án “Điều tra, đánh giá, phân loại, xử lý rác thải trên biển Việt Nam”

Sáng ngày 25/7, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Đề án “Điều tra, đánh giá, phân loại, xử lý rác thải trên biển Việt Nam” do Công ty EATC phối hợp với Công ty JNK Nhật Bản đề xuất.

Hội thảo có sự tham gia của đại diện Công ty Cổ phần Kỹ thuật và Phân tích Môi trường (EATC), Công ty JNK Nhật Bản, các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các bộ, ngành, cơ quan, viện nghiên cứu, trường đại học và đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục, đại diện Chi cục biển các địa phương có liên quan. Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, TS. Tạ Đình Thi chủ trì hội thảo.

 

 

Toàn cảnh hội thảo

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Môi trường, Tạ Đình Thi cho biết, Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khẳng định vai trò của công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển và chuyển giao công nghệ về biển đặc biệt là đối với lĩnh vực quản lý rác thải nhựa đại dương, vấn đề thách thức toàn cầu, trong khu vực và đặc biệt nóng ở Việt Nam hiện nay. Ý tưởng dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại, xử lý rác thải trên biển Việt Nam” được phía Công ty EATC phối hợp với JNK Nhật Bản hỗ trợ xây dựng tương đối thiết thực, cụ thể, đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam và dự kiến sẽ đề xuất nguồn hỗ trợ phía Nhật Bản để triển khai Dự án. 

 

 

Tổng cục trưởng Tạ Đình Thi phát biểu khai mạc hội thảo

 

Trình bày tại hội thảo, đại diện của Công ty JNK Nhật Bản, thông qua kết quả khảo sát thực địa sơ bộ tại một số tỉnh bao gồm Hải Phòng, Thanh hoá và Nghệ An đã đưa ra một bức phác thảo về hiện trạng quản lý rác thải biển ở Việt Nam. JNK cũng đã chia sẻ những công nghệ, kinh nghiệm và những thành tựu về quản lý rác thải trôi dạt trên biển mà họ đã thực hiện tại Nhật Bản. Trên cơ sở đó đề xuất nội dung cho Đề án với mục đích thiết lập một nền tảng để thúc đẩy các biện pháp giải quyết vấn đề rác thải biển (rác trôi trên biển, rác trôi dạt vào bờ, rác dưới đáy biển) tại Việt Nam. Kết quả đầu ra được mong đợi của dự án sẽ bao gồm (i) Các tài liệu cơ bản cung cấp dữ liệu khoa học về rác thải trôi dạt và (ii) Tạo lập tài liệu hướng dẫn vệ sinh bờ biển. Từ những thành quả của Đề án này sẽ mang lại tác động quan trọng trong tương lai chẳng hạn như sẽ soạn ra được giáo trình giảng dạy về rác thải biển cho đối tượng học sinh tiểu học, THCS và THPT, thế hệ tương lai của đất nước cũng như những tác động từ nhiều hoạt động tuyên truyền tại các hội thảo.

 

 

      

Ông Hiroshi KATO, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty NHK Nhật Bản trình bày Đề án

 

Ông Nguyễn ĐÌnh Tích - Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Kỹ thuật và Kỹ thuật Phân tích môi trường

 

Tại hội thảo, các nhà khoa học, các nhà quản lý và các bên liên quan đã cùng nhau trao đổi, thảo luận, góp ý cho Đề án về mục tiêu, phạm vi, phương pháp tiếp cận, nội dung nghiên cứu, sự tham gia cũng như yêu cầu làm rõ tính bền vững của dự án như chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực, thiết lập cơ chế tài chính bền vững để có thể tiếp tục duy trì sau khi dự án kết thúc.

 

Tổng cục trưởng Tạ Đình thi hoan nghênh nhóm chuyên gia đặc biệt là Công ty JNK đã phối hợp với EATC chủ động nghiên cứu, đề xuất dự án rất thiết thực và phù hợp với chủ trương, nhu cầu cấp bách của Việt Nam hiện nay trong lĩnh vực quản lý rác thải trên biển. Đồng thời đề nghị đơn vị đề xuất dự án tiếp thu đầy đủ những góp ý giá trị của các đại biểu tại Hội thảo, làm việc lại với các cơ quan có liên quan là Tổng cục Môi trường, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo nhằm thống nhất lại mục tiêu, phạm vi và phương pháp nghiên cứu để tránh trùng lặp, tăng tính khả thi của dự án. Một dự án không thể giải quyết được tất cả các vấn đề, Dự án này tập trung vào rác thải nhựa trên biển trong đó quan trọng nhất là phải đưa ra được một bộ cơ sở dữ liệu để trên cơ sở đó đánh giá được thực trạng, nguồn gốc và đề xuất phương án thu gom, xử lý rác thải biển, tập trung vào một số khu vực chủ yếu là các cửa sông ven biển, các khu đô thị ven biển, khu du lịch ven biển, các tàu thuyền đang hoạt động trên biển và đặc biệt là đối với rác thải vi nhựa, một vấn đề lớn rất khó khăn và tốn kém cần được hỗ trợ thêm về đào tạo, trang thiết bị để thực hiện.

 

“Phát triển quốc gia mạnh về biển có nghĩa là phải hiểu biết về biển; bảo vệ được biển; khai thác và sử dụng tài nguyên biển bền vững và do đó, công tác quản lý rác thải đại dương nói chung trong đó có rác thải trên biển nói riêng là một trong những vấn đề cấp bách cần tập trung ưu tiên nghiên cứu, giải quyết hiện nay”, Tổng cục trưởng nhấn mạnh.

 

Một số hình ảnh khác tại Hội thảo:

 

 


 
TS. Đào Mạnh Tiến, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam

 

Bà Nguyễn Minh Phương, Khoa hoá, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên

 

 

Bà Nguyễn Ngọc Lý, Trung tâm Phát triển Môi trường Cộng đồng (CECR)

 

 

Ông Lê Viết Luân, Chi cục Biển và Hải đảo Thanh Hoá

 

 

Ông Nguyên Văn Cấn, Chi cục Biển và Hải đảo Hải phòng

 

 

Bà Nguyễn Thu Hà, Trung tâm Phát triển Xanh Green Hub

 

 

Ông Phạm Văn Hiếu, Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

 

 

Ông Nguyễn Thành Lam, Viện Quản lý Chất thải, Tổng cục Môi trường