Khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Thuận và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49 - Bộ Công an) vào bên trong công ty thì bất ngờ phát hiện một lượng lớn titan bị chôn vùi xuống đất. Một thành viên khác của đoàn kiểm tra ước tính số lượng titan được chôn xuống đất khoảng 100-200 tấn. Vị này cũng đặt ra vấn đề đây là lượng titan có dấu hiệu mới được khai thác và được chôn lấp xuống đất chỉ vài ngày. Như vậy cần xác định rõ có hay không việc công ty trên đã lén lút khai thác titan trong thời gian bị UBND tỉnh Bình Thuận cấm và hết hạn khai thác (tháng 5-2013).
Trong khi đó, đại diện công ty (phụ trách việc điều hành mỏ, khai thác) cho biết lý do chôn titan xuống đất như vậy là để khỏi bị “thổi bay”(?!).
Ông Nguyễn Hữu Quý - chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường tỉnh Bình Thuận - cho rằng việc bảo quảntitan như vậy là “lạ đời”. “Titan sau khi được khai thác xong phải được tập kết vào chỗ để và phải phủ bạt lên. Nếu chôn titan ẩm ướt như vậy thì nó sẽ thẩm thấu gây ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Những người làmtitan chuyên nghiệp không ai làm như vậy” - ông Quý nói.
Phía Công ty CP Đầu tư khoáng sản và thương mại Bình Thuận thống kê thiệt hại ban đầu qua sự cố tràn bùn thải titan trên là khoảng 5 tỉ đồng. Nhiều máy móc, thiết bị chuyên dùng để khai thác titan đã bị hư hỏng không dùng được. Do đống ngổn ngang bên trong công ty vẫn chưa xử lý xong nên bùn đỏ dọc con đường ĐT 719 nối xã Tiến Thành (TP Phan Thiết) với xã Thuận Quý (huyện Hàm Thuận Nam) vẫn còn tràn ngập.
Nguyễn Nam-báo TTO